Đánh giá post

Kem chống nắng là bước skincare hầu như không thể thiếu của chị em mình đúng không nào? Dù chỉ dưỡng da thông thường hay thậm chí là đang trong thời gian treatment thì sản phẩm này cũng vô cùng quan trọng. Vì nó đóng vai trò như một “vệ sĩ” chống lại các tác hại của ánh nắng mặt trời, hay thậm chí là ánh sáng xanh đối với làn da.

Thế nhưng có lẽ ngoài kiến thức về việc nên chọn chỉ số SPF càng cao càng tốt, Huyên Thuyên nghĩ rằng không phải chị em nào cũng biết rõ về SPF là gì? Mọi người có tin không có tới 76% chị em hiểu rõ về tầm quan trọng của kem chống nắng, nhưng chỉ có 40% trong số đó sử dụng đúng cách. Thực tế nó chỉ phát huy tác dụng nếu sử dụng đúng cách mà thôi.

Thế nên nếu chị em nào gặp trường hợp xài bao nhiêu cũng thấy không hiệu quả, càng xài càng đen thui thì phải xem qua ngay bài viết này nhé. Mình đã mất mấy ngày để nghiên cứu kỹ về nội dung này nhằm chia sẻ với chị em, hy vọng mọi người hiểu rõ hơn về bước skincare quan trọng này. Chị em cùng xem có gặp phải sai lầm nào không mà sửa chữa liền nè.

Xem review kem chống nắng tại đây

Đầu tiên phải điểm qua 10 điều thú vị về SPF:

  1. 76% người hiểu được tầm quan trọng của kem chống nắng. Nhưng chỉ có 40% là dùng nó đúng cách hằng ngày.
  2. Bôi kem chống nắng mỗi ngày, kể cả ngày mưa nữa nha.
  3. Các chất sau là đối tác hạng A, có thể làm tăng hiệu quả của em ấy: vitamin C, vitamin E, trà xanh, đậu nành, nho và lựu,…
  4. Đang treatment với Tretinoin và Hydroquinone thì nên sử dụng SPF 50+++ trở lên: mức tối ưu được hầu hết các hội đồng y tế thế giới khuyến nghị.
  5. Có rất nhiều nơi ngoài mặt mà chị em thường bỏ quên không xài kem chống nắng: tai, cổ, lưng, tay, bàn chân, mặt sau của chân.
  6. Đừng quên kính râm để bảo vệ mắt nha chị em.
  7. Đừng tưởng thoa kem chống nắng rồi thì không bị đen mà lầm nè. Vẫn đen như thường nha.
  8. Thoa kem chống nắng lại sau mỗi 2 giờ.
  9. Không nên sử dụng kem chống nắng đã hết hạn sử dụng (cái này thì đúng đối với hầu hết các loại luôn chứ không phải mỗi em này).
  10. Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài 20 phút.
Tổng hợp kiến thức về kem chống nắng không phải ai cũng biết

Ý nghĩa của 8 thuật ngữ trên tube kem chống nắng không phải ai cũng biết:

  1. SPF: Sun Protection Factor – đo lường mức độ bảo vệ của kem chống nắng khỏi UVB (tia cực tím chính gây ra cháy nắng). SPF 15 chặn 93% tia UVB, SPF 30 chặn 97%, và SPF 50 chặn 98% tia UVB lận đó các nàng.
  2. PA: Protection factor – thể hiện khả năng lọc tia UVA. PA+ giúp chống tia UVA ở mức 40-50%. PA++ mức 60-70%, PA+++ mức 90% và PA++++ thì hơn mức 90% luôn.
  3. Broad-Spectrum (phổ rộng): có nghĩa là sản phẩm có chứa thành phần giúp bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB.
  4. Water-resistant (chống nước): kem chống nắng đã được thử nghiệm và sẽ duy trì ở mức SPF trong 40-80 phút khi bơi lội hoặc đổ mồ hôi.
  5. Protect against aging and skin cancer (bảo vệ chống lão hóa và ung thư da): Đây là một “thủ thuật” của tiếp thị để nâng độ tin tưởng của khách hàng cho sản phẩm của họ mà thôi. Kiểu như nói để nâng giá trị sản phẩm của mình lên so với thương hiệu khác đó chị em. Chứ thực tế bất kỳ loại kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF 30(+++) trở lên cũng đều sẽ bảo vệ da khỏi lão hóa và ung thư da hết nha.
  6. Dematologist tested or Approved (bác sĩ da liễu đã kiểm nghiệm hoặc phê duyệt): cũng là một kiểu marketing quảng cáo nốt. Chị em phải hiểu điều này là “không kiểm soát được” và hầu hết là “vô nghĩa” vì khó có thể kiểm định được mức độ đáng tin. Ví dụ như: bao nhiêu bác sĩ kiểm định? các bác sĩ này thuộc tổ chức nào?, …)
  7. Sport (thể thao): phải nói em này cũng là thuật ngữ quảng cáo luôn nha các nàng. Mục đích để thu hút những người năng động, yêu thích thể thao và hoạt động ngoài trời mà thôi. Hoặc cho những người có suy nghĩ như “ờ nếu dành cho thể thao thì mình dùng có thể mức độ bảo vệ cao hơn” chẳng hạn. Chứ về bản chất là không có sự phân biệt giữa đối tượng tập hay không tập thể thao đâu nè.
  8. Noncomedogenic: sản phẩm không chứa các thành phần được chứng minh là có khả năng gây tắc lỗ chân lông.

Kem chống nắng chống ánh sáng xanh, chị em đã nghe qua chưa?

  • Chúng ta cần biết là trong ánh sáng mặt trời, tia cực tím (gồm UVA, UVB, và UVC) gây hại nhiều nhất cho làn da. Đặc biệt, UVA là tia xâm nhập sâu vào da và có thể làm hỏng Collagen và DNA, dẫn đến lão hóa sớm, nếp nhăn, và ung thư da.
  • Ánh sáng khả kiến (bước sóng 400-700 nm) và đặc biệt là ánh sáng xanh (blue light) từ các thiết bị điện tử như iMac, tivi, điện thoại, laptop, vv… có thể xuyên sâu vào da hơn nhiều so với tia UVA hoặc UVB.
  • Ở những người có làn da nâu, ánh sáng xanh dễ gây ra nám hơn so với bức xạ UVA.
  • Trên thị trường hiện nay, có hai loại kem chống nắng chính. Thứ nhất là Kem chống nắng hóa học (bao gồm các thành phần như Oxybenzone, Avobenzone, Octisalate, Octocrylene, Homosalate, và Octinoxate) hoạt động bằng cách HẤP THỤ TIA UV.
  • Còn Kem chống nắng vật lý có chứa Oxit Kẽm và Titanium Dioxide hoạt động bằng cách PHẢN XẠ TIA UV.
  • Kem chống nắng truyền thống giúp chống lại tia UV, nhưng không thể bảo vệ da khỏi ánh sáng xanh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung oxit sắt vào kem chống nắng sẽ đem lại khả năng bảo vệ da khỏi ánh sáng xanh, đồng thời cũng đem lại hiệu quả cao hơn đáng kể trong việc điều trị và ngăn ngừa nám da so với kem chống nắng cổ điển.
  • Cụ thể: Giảm 20% tia UVA và ánh sáng xanh được truyền đến da. Đặc biệt, khi Oxit Sắt kết hợp với Oxit Kẽm, nó có thể làm giảm thêm 1.5% lượng bức xạ tia UVA truyền đến da.

Như vậy túm lại là, ngoài ánh nắng mặt trời, thì những ai hay sử dụng các thiết bị điện tử (hầu như là bây giờ ai cũng xài là cái chắc rồi) thì nên đầu tư ngay một em chống nắng có kèm chống ánh sáng xanh nữa mới đủ. Vì mình ra đường có khi vài tiếng thôi, nhưng ngồi sử dụng các thiết bị này thì có khi cả ngày, mà ánh sáng xanh còn nguy hiểm hơn ánh nắng mặt trời nữa mới chết chứ.

Kem chống nắng phù hợp cho từng loại da:

Lưu ý chung khi chọn và sử dụng kem chống nắng nè chị em:

  • Nếu đang trang điểm, chị em có thể dặm lại phấn phủ có SPF, mặc dù phấn phủ có SPF bảo vệ không bằng so với kem.
  • Còn nếu đang xài kem chống nắng, sau đó trang điểm dặm thêm với phấn có SPF thì sao? nhiều chị em cứ lầm tưởng là sẽ được tổng số bảo vệ của 2 loại kem gộp lại nhưng không phải như vậy đâu. Mình chỉ được bảo vệ theo chỉ số cao nhất của 1 trong 2 sản phẩm đó mà thôi. Ví dụ: kem chống nắng SPF 50, phấn SPF 30, thì mức độ bảo vệ sẽ là SPF50 nhé, chứ không phải SPF 80 đâu nè.

Chọn kem theo loại da:

Da nhạy cảm: Nếu có làn da nhạy cảm, chị em Cần TRÁNH chọn kem chống nắng có các thành phần sau: cồn, chất tạo mùi, Oxybenzone, PABA, Salicylat và Cinnamates. NÊN sử dụng kem chống nắng khoáng có Oxit kẽm, Titanium Dioxide là cách an toàn nhất.

Da dầu: với nền da này chị em cần ưu tiên chọn kem chống nắng dạng nước hoặc gel có lớp nền mờ. Các thành phần như: trà xanh, dầu cây trà hoặc Niacinamide cũng giúp da kiểm soát dầu hiệu quả.

Da mụn: tương tự da nhạy cảm nha chị em, kem chống nắng vật lý là biện pháp an toàn nhất. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng 100%, một số người vẫn sử dụng được kem chống nắng hóa học mà không thấy có vấn đề gì cả.

Da khô: Điều quan tâm nhất là bổ sung độ ẩm. Các nàng nên tìm đến kem chống nắng dưỡng ẩm dạng kem, và phủ lên một lớp kem dưỡng ẩm nữa là được. Hoặc các loại kem chống nắng có thành phần dưỡng ẩm như Ceramides, Glycerin, Hyaluronic acid (HA), hay mật ong đều lý tưởng hết.

Da “cú đêm”: nghe thì lạ nhưng khi nói ra thì xem có quen không nha. Da này dành cho những nàng hay thức khuya ôm máy tính hay điện thoại hay ipad các kiểu. Nếu vậy thì vẫn thoa kem chống nắng như thường nếu không muốn da bị hư hại dù không tiếp xúc ánh nắng. Vì như mình đã nói ở trên, ánh sáng xanh cũng nguy hiểm không kém gì ánh nắng mặt trời cả. Phải chọn kem chống nắng có Oxit sắt (Iron oxide) nồng độ trên 3% mới cản được ánh sáng xanh nha. Và đương nhiên, phải tẩy trang trước khi ngủ rồi. Nghe mà lười thì nên ngủ sớm để máy qua một bên là tốt nhất đó các nàng.

Da nám: nên dùng kem chống nắng vật lý có chứa Kẽm oxit cao hơn các thành phần khác. SPF 50+++ trở lên. Không nên dùng dạng xịt hay dạng bột. Có thể kết hợp với các chất chống oxi hóa để tăng hiệu quả kem chống nắng. Bôi kem 2-3 tiếng/lần ngay cả khi ở nhà. Và kết hợp chọn kem phù hợp với từng loại da ở trên nữa nha chị em.

Da thường: không cần phải nói thêm cho da này. Em chống nắng nào ẻm cũng “xơi hết”. Qúa sướng!

Có nên sử dụng viên uống chống nắng?

Bên cạnh việc sử dụng kem chống nắng, việc có nên sử dụng viên uống không cũng được khá nhiều chị em quan tâm đây. Và các nàng yên tâm là hoàn toàn có thể kết hợp với viên uống chống nắng nha. Theo FDA, viên uống chống nắng bản chất của nó là chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng sức khỏe nội tại của làn da, tăng sức chống chọi với tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời.

Ví dụ: nếu bình thường da chúng ta tiếp xúc với ánh nắng 15 phút, sẽ bị ảnh hưởng bởi tia cực tím (như bỏng nắng, sạm, đỏ, vv…) thì khi sử dụng viên uống chống nắng phải mất 30 phút chẳng hạn, da chúng ta mới bị ảnh hưởng xấu kể trên.

Có một khoảng thời gian, nhiều chuyên gia da liễu cho rằng viên uống chống nắng (sunscreen-in-a-pill) thậm chí còn làm người dân bị hiểu lầm về công năng và hiệu quả thực sự, nhiều người chỉ uống viên chống nắng và bỏ quên luôn việc thoa kem chống nắng và các phương pháp hỗ trợ che chắn khác.

Theo mình thì vẫn lựa chọn sử dụng viên uống chống nắng như một phần không thể thiếu của việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, khi sử dụng viên uống chống nắng, mình vẫn cần thoa kem chống nắng bởi viên uống chỉ hỗ trợ cho da khỏe hơn chứ không có tác dụng thay thế toàn bộ các loại chống nắng khác đâu nè.

4 sai lầm phổ biến khi thoa kem chống nắng đây các nàng ơi:

Thoa không-đủ liều lượng: Theo thư viện y khoa Hoa Kỳ, thoa 2 miligam kem chống nắng cho mỗi một cm vuông da là con số tiêu chuẩn. Vậy để bôi trọn vẹn khuôn mặt cần khoảng 1,2 gram kem chống nắng (tức là khoảng 1.2ml/1 lần.

Ví dụ một ngày thoa 5 lần, thì sẽ hết 6ml kem. Một tube kem chống nắng 50ml vậy chỉ thoa được 8-9 ngày là hết veo). Ối giời ơi!!!!! Nhưng bôi đủ liều lượng sẽ ngăn chặn 96,7% tia UVB đó chứ chẳng đùa.

Chỉ thoa kem chống nắng khi trời nắng: Tia UVA có thể xuyên qua mây, cửa kính, quần áo… nên ngay cả ngồi trong mát (văn phòng, trong ô tô, vv…) thì UVA vẫn có thể len lỏi và chiếu lên da đó nhé. Thế nên, hãy tập thói quen dùng kem chống nắng phổ rộng dù ở trong nhà hay ngoài đường nha chị em. Thoa kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà khoảng 15 phút để thấm vào da.

Nghĩ rằng SPF càng cao thì độ che phủ càng cao: SPF cho biết tỷ lệ tia UVB bị chặn bởi kem chống nắng, không phải thời gian bảo vệ. SPF cao hơn ngăn chặn UVB nhiều hơn, nhưng không có nghĩa thời gian chống nắng của chúng dài hơn. Điều quan trọng là phải thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2h.

Bỏ sót một vài điểm quan trọng khi thoa kem: Đừng quên chống nắng cho vùng phía sau đầu gối, tai, vùng mắt, cổ, da đầu vì những vùng này không có khả năng chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời. Nên nhìn gương khi bôi kem để tránh “lỡ bỏ quên” những vị trí này nhé.

Liều lượng thoa kem chống nắng chuẩn y khoa là đây:

  • Đối với dạng thoa: 2 miligram kem cho 1cm2 da. Vậy toàn khuôn mặt thì mất 1-1,2 ml. Có nghĩa là cỡ: 1/4-1/3 thìa cà phê. Từ đầu ngón đến nếp gấp ngón tay. Hoặc 1-2ml /1-2 gr đối với cốc hoặc ống tiêm.
  • Đối với dạng xit: xịt qua xịt lại, xịt tới xịt lui đủ 4 lần. Thành 4 lớp kem trải đều trên da. Không nên xịt gần mặt hoặc miệng nhé. Xịt ra tay rồi mới bôi lên da.
  • Kem chống nắng là bước cuối cùng trong quy trình skincare. Và sử dụng trước khi trang điểm.
  • Thoa lại sau 2-3 giờ.
  • Nên kết hợp thêm các biện pháp như: viên chống nắng, mũ rộng vành, áo khoác chống tia UV, kính râm nữa nha các nàng.

Bonus cuối bài nữa nè:

  • Water resistant rất tốt để xài cho các hoạt động dưới nước, nhưng cần được thoa lại. Và không có loại kem nào chống nước hoàn toàn cả đâu.
  • Kem chống nắng vật lý (khoáng chất) ít gây kích ứng hơn và phù hợp với làn da nhạy cảm/dễ nổi mụn.
  • Natural Sunscreens thường là khoáng chất, do có chứa ZinC hay Titanium. Rất tốt để sử dụng!
  • Broad spectrum: nên là một trong những ưu tiên đầu tiên khi chọn kem chống nắng, vì chống được UVA, UVB cùng lúc.

Một bài khá dài hơi nhưng cuối cùng cũng hết rồi. Hy vọng bài viết này sẽ giúp chị em mình có được lượng kiến thức nhất định về kem chống nắng để tự chọn một loại phù hợp mà không bị qua mặt dễ dàng nữa nha.

Tìm hiểu về ZO Skin health vietnam

Bạn quan tâm về dòng ZO Skin health retinol?

Chi tiết về ZO Skin Health reviews

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here